Việc ăn cơm có vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người, đặc biệt là trong việc phòng tránh bệnh tiểu đường. Vậy nên ăn mấy bát cơm một ngày là hợp lý?
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tinh bột là nguồn năng lượng chính nuôi sống não bộ và cơ thể. Hệ thần kinh trung ương của con người bắt buộc phải sử dụng glucose để duy trì hoạt động.
Không chỉ cung cấp năng lượng, cơm còn góp phần kiểm soát huyết áp và tăng cường hệ miễn dịch nhờ chứa nhiều vitamin và khoáng chất như vitamin D, niacin, canxi, chất xơ, riboflavin, sắt và thiamine.

Người trưởng thành cần tối thiểu 4 bát cơm mỗi ngày
Trước đây, người Việt thường ăn 3-4 bát cơm mỗi bữa nhưng tỷ lệ mắc tiểu đường không cao như hiện nay. Nguyên nhân chính là do người xưa lao động tay chân nhiều, tiêu hao năng lượng lớn. Ngày nay, nhiều người có xu hướng ăn nhiều chất béo, đạm, đường đơn và cắt giảm tinh bột, dẫn đến gia tăng tỷ lệ mắc tiểu đường.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng cho biết, trong khẩu phần ăn lành mạnh, chất bột đường nên chiếm 50-60% tổng năng lượng nạp vào. Với người trưởng thành có chế độ ăn thông thường, lượng cơm cần thiết trong một ngày là tối thiểu 4 bát. Người hoạt động thể lực nhiều có thể ăn nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu năng lượng.
Điều quan trọng không nằm ở việc “bỏ cơm” hay “ăn nhiều cơm”, mà là cách cân đối giữa bột đường – đạm – béo, kết hợp với lối sống lành mạnh và vận động thường xuyên. Một chế độ ăn khoa học là nền tảng để duy trì sức khỏe tốt, phòng chống bệnh tật và nâng cao chất lượng cuộc sống.