Thương mại điện tử đang trở thành xu hướng mua sắm chủ đạo tại Việt Nam. Nhận định về sự phát triển của lĩnh vực này, Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định 1568 về Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026-2030.
Thúc đẩy thương mại điện tử phát triển bền vững

Thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ
Theo kế hoạch, Bộ Công Thương đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ dân số trưởng thành tham gia mua sắm trực tuyến đạt 70%, doanh số bán lẻ thương mại điện tử chiếm 20% tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào việc hoàn thiện khung khổ pháp lý về quản lý hoạt động thương mại điện tử. Đồng thời, tăng cường kiểm soát trực tuyến thông tin và giao dịch thương mại điện tử, cũng như cơ chế quản lý, giám sát giao dịch thanh toán đối với các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.
Một trong những mục tiêu quan trọng khác là 100% các giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử phải có hóa đơn điện tử. Điều này không chỉ giúp tăng cường quản lý thuế mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Liên quan đến hóa đơn điện tử, từ ngày 1-6-2025, các hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỷ đồng bắt buộc phải áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, kết nối dữ liệu với cơ quan thuế.
Thống kê cho thấy, năm 2024, thương mại điện tử trong nước tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18-25% mỗi năm. Quy mô thị trường thương mại điện tử sớm vượt mốc 25 tỷ USD, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Với tốc độ tăng trưởng này, Việt Nam đang trở thành một trong những thị trường thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Người Việt chi trung bình 873,6 tỷ đồng/ngày để mua hàng online trên các sàn thương mại điện tử lớn.