Trang chủ Sức khỏe Cảnh báo về quảng cáo sai sự thật của thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cao Việt Hoàng

Cảnh báo về quảng cáo sai sự thật của thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cao Việt Hoàng

bởi Linh

Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế vừa phát thông báo cảnh báo về việc quảng cáo sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cao Việt Hoàng trên các trang web https://caoviethoang.com và https://caoviethoang-chinhhang.com với nội dung vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo thực phẩm.

Quảng cáo sai sự thật và vi phạm quy định

Theo cơ quan chức năng, các nội dung quảng cáo trên các website này mô tả sản phẩm như thuốc chữa bệnh, dẫn lời người bệnh khẳng định có tác dụng điều trị – một hành vi bị nghiêm cấm đối với thực phẩm chức năng. Ngoài ra, các quảng cáo còn không trích dẫn đúng tài liệu theo quy định và thiếu khuyến cáo về đối tượng không nên sử dụng, tiềm ẩn nguy cơ gây hiểu nhầm nghiêm trọng cho người tiêu dùng.

Sản phẩm vi phạm quảng cáo

Sản phẩm vi phạm quảng cáo

Sản phẩm này do Công ty TNHH Nghiên cứu và Phát triển Cao Việt Hoàng, có địa chỉ tại thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức, Hà Nội, công bố và chịu trách nhiệm. Hiện nay, Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý và sẽ công khai kết quả trên website chính thức.

Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân không nên căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật để mua hay sử dụng sản phẩm. Việc tin vào quảng cáo không đúng có thể gây thiệt hại cả về sức khỏe lẫn kinh tế.

Thống kê từ Bộ Y tế cho thấy, trong năm 2024, tổng số tiền xử phạt với các hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật đã vượt 11 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng mức phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe.

Thực tế, các chiêu trò lách luật vẫn diễn ra công khai. Trong phiên chất vấn tại Quốc hội tháng 11/2024, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan thừa nhận có tình trạng lợi dụng hình thức hội thảo, quảng bá trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để đánh lừa người tiêu dùng – đặc biệt là người cao tuổi và các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.

Hầu hết các nền tảng trực tuyến như Facebook, TikTok, Shopee… đều có các video và bài đăng quảng bá thực phẩm chức năng dưới vỏ bọc “chia sẻ kinh nghiệm dùng thuốc” hoặc “hành trình khỏi bệnh”, sử dụng hình ảnh người nổi tiếng và KOLs để tăng độ tin cậy.

Đầu tháng 5 vừa qua, Bộ Y tế đã yêu cầu các Sở Y tế trên toàn quốc tăng cường hậu kiểm và xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo thực phẩm.

Người dân được khuyến cáo nên cẩn trọng và không tin vào những lời lẽ “thần thánh hóa” công dụng sản phẩm. Trước khi sử dụng bất kỳ thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào, cần tham khảo ý kiến bác sĩ, chỉ mua hàng từ nguồn rõ ràng và có nhãn mác, xuất xứ minh bạch.

Có thể bạn quan tâm