Đồ ngọt có thể là nguyên nhân gây suy thận nếu tiêu thụ quá mức. Việc hiểu rõ tác động của đường đối với thận là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe.
Theo bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, Phó giám đốc Trung tâm Tim mạch và Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, việc tiêu thụ quá nhiều đường, đặc biệt là glucose và fructose, có thể dẫn tới rối loạn chuyển hóa, gây béo phì và tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
Cả tiểu đường và rối loạn chuyển hóa đều là nguyên nhân chính gây tổn thương hệ mạch máu, bao gồm cả mạch máu nuôi dưỡng thận. Khi mạch máu này bị hư hại, nguy cơ suy thận mạn tính sẽ tăng lên đáng kể.
[Caption align=”aligncenter” width=”650″] Tác hại của đồ ngọt đối với thận[/caption]
Tiêu thụ nhiều đường còn gây ra hàng loạt phản ứng bất lợi cho thận. Đường khiến cơ thể hấp thu nhiều natri hơn tại ruột non, làm tích tụ muối trong máu. Để đào thải phần muối dư thừa, thận phải hoạt động quá tải trong thời gian dài, dẫn đến suy yếu chức năng.
Bác sĩ Mạnh cho biết thêm, đường làm giảm sản xuất oxit nitric (NO), hợp chất có vai trò duy trì độ đàn hồi của mạch máu. Khi NO bị ức chế, thành mạch co lại, gây tăng huyết áp, một yếu tố thúc đẩy tiến triển bệnh thận nhanh hơn.
Đặc biệt, fructose có trong nước ngọt, siro, bánh kẹo có thể làm tăng nồng độ canxi và oxalate trong nước tiểu, tạo điều kiện hình thành sỏi thận. Sỏi thận có thể gây tắc nghẽn đường tiết niệu và tổn thương nghiêm trọng đến chức năng thận.
Để bảo vệ thận, chuyên gia khuyến cáo nên ưu tiên thực phẩm tự nhiên, hạn chế thức ăn và đồ uống chứa đường tinh luyện. Các loại trái cây ít đường như bưởi, cam, chanh, táo, đu đủ… nên được đưa vào khẩu phần ăn hằng ngày.
Đồng thời, duy trì cân nặng hợp lý, kiểm soát đường huyết và huyết áp, tập thể dục thường xuyên, tránh hút thuốc và hạn chế rượu bia là những yếu tố then chốt để duy trì chức năng thận khỏe mạnh.